NĂNG LỰC SỐ (DIGITAL CAPABILITY) là thuật ngữ được sử dụng để mô tả các kỹ năng và thái độ mà các cá nhân và tổ chức cần có để phát triển mạnh trong thế giới ngày nay. Năng lực số là các kỹ năng, kiến thức và hiểu biết giúp ai đó sống, học tập và làm việc trong một xã hội 4.0 như hiện tại. Năng lực này giúp chúng ta có thể ứng dụng nhiều công nghệ một cách phù hợp và hiệu quả trong các không gian, địa điểm và tình huống khác nhau.
CẤP ĐỘ CÁ NHÂN
Ở cấp độ cá nhân, năng lực số được chia thành 4 nhóm chính là:
Năng lực xử lý dữ liệu: là các kỹ năng, kiến thức và hiểu biết về cách tìm kiếm, khai thác, đánh giá và sử dụng thông tin.
Năng lực đổi mới, sáng tạo và giải quyết vấn đề: là các kỹ năng, kiến thức và sự hiểu biết mà bạn có để thiết kế và sản xuất nhiều loại vật liệu kỹ thuật số (thuyết trình, video, hình ảnh, âm thanh, trang web). Ngoài ra, đó cũng có thể là khả năng nghiên cứu, giải quyết vấn đề và tạo ra ý tưởng mới bằng cách sử dụng các công cụ và kỹ thuật số.
Năng lực giao tiếp và hợp tác: là khả năng làm việc với mọi người, tham gia, trình bày và kết nối thông qua các phương tiện kỹ thuật số.
Năng lực học tập và phát triển: là khả năng sử dụng các tài nguyên học tập kỹ thuật số để theo dõi, nắm bắt các kiến thức và xu hướng công nghệ kỹ thuật số
CẤP ĐỘ TỔ CHỨC
Ở cấp độ tổ chức, năng lực số là văn hóa và cơ sở hạ tầng của một tổ chức cho phép thúc đẩy các hoạt động kỹ thuật số. Năng lực kỹ thuật số của tổ chức được tạo thành bởi 6 yếu tố:
Hạ tầng IT: gồm hệ thống phần mềm và phần cứng
Dữ liệu: bao gồm tất cả dữ liệu của tổ chức như dữ liệu khách hàng, nhân sự, đối tác; các tài liệu và kiến thức của tổ chức.
Nghiên cứu và phát triển (R&D): là một cơ sở hoặc một bộ phận nội bộ có chức năng nghiên cứu, phân tích và phát triển các giải pháp.
Giao tiếp: là khả năng truy cập và chia sẻ dữ liệu một cách kịp thời, chính xác và hiệu quả
Học tập: bao gồm tất cả các hoạt động đào tạo và môi trường học tập nội bộ
Văn hóa: là tư duy, thái độ và tinh thần xây dựng và thực hiện các sáng kiến kỹ thuật số