Phác thảo CV bằng những câu hỏi: Trước khi lên kế hoạch làm CV cho bản thân, bạn cần phải làm rõ mục tiêu. Bạn viết CV không phải chỉ để cho bằng bạn bằng bè, mà việc viết CV này sẽ giúp bạn có được công việc mà bạn muốn. Nhà tuyển dụng sẽ không biết thêm bất kỳ thông tin nào về bạn ngoại trừ những thông tin được đưa vào CV. Vì vậy bạn cần phải cân nhắc và chọn lọc thật kỹ trước những thông tin bạn sẽ đưa vào.Thế nên, bạn cần chuẩn bị những câu hỏi tương tự bên dưới cho mình:
Những câu hỏi nhà tuyển dụng sẽ hỏi bạn trong buổi phỏng vấn là gì?
Bạn sẽ ghi điểm với họ bằng cách nào?
Điểm mạnh bạn muốn nhà tuyển dụng thấy là gì?
Những điểm yếu cần khắc phục là gì?
Loại bỏ những thứ không cần thiết: Như đã đề cập bên trên những thông tin bạn đưa vào trong lúc làm CV là rất quan trọng. Bạn nên tránh đưa những thông tin không cần thiết, tránh sử dụng những từ ngữ tối nghĩa hoặc không liên quan. Bởi vì một CV được đánh giá chuyên nghiệp sẽ gói gọn các thông tin trong vòng 1 trang giấy A4 hoặc nhiều nhất là 2 trang. Bên cạnh đó, ở mỗi chữ mỗi câu bạn sắp viết, bạn nên đặt câu hỏi cho mình “Liệu nhà tuyển dụng có thấy được tiềm năng của mình khi đọc những thông tin này?”.
Kinh nghiệm làm việc ngắn gọn, súc tích: Trong phần kinh nghiệm làm việc, bạn nên đưa ít hơn 3 ý ở mỗi mục để nhà tuyển dụng nắm bắt thông tin nhanh chóng hơn.
Ví dụ mẫu kinh nghiệm của Content Intern
Tăng lượt truy cập trang web và chuyển KIP bằng chiến lược SEO
Viết 5 bài viết mỗi tuần (trung bình 2 bài cho người tìm việc) và tổng số lên tới 50 bài
Hướng dẫn đồng nghiệp những phím tắt trong HTML và WordPress để giúp họ làm việc hiệu quả hơn
Bạn nên đưa những công việc chính bạn làm và nắm rõ nhất vào CV vì nhà tuyển dụng sẽ dựa vào những ý đó để đặt ra câu hỏi cho bạn. Thế nên, hãy đảm bảo rằng bạn hiểu tất tần tật về công việc bạn làm và không bị ngập ngừng trước những câu hỏi nhà tuyển dụng đặt ra.
Nhấn mạnh kết quả trước sau đó tới kỹ năng: Hầu hết các nhà tuyển dụng muốn thấy những thành tựu mà bạn có và mong chờ những con số cụ thể nhất có thể. Ví dụ: “Tăng 40% lượt theo dõi và 600% tổng lượt tiếp cận trên trang Facebook công ty” thay vì “Quản lý trang Facebook và Twitter của công ty”. Mặt khác, nếu bạn muốn nhấn mạnh kỹ năng của mình, tốt hơn bạn nên đưa phần việc chính của mình lên đầu. Ví dụ: “Tăng lượt truy cập trang web và chuyển KIP bằng chiến lược SEO (Search Engine Optimization)” thay vì “Sử dụng chiến lược SEO để tăng lượt truy cập”.
Hướng nhà tuyển dụng tới những nguồn thông tin khác từ bạn: Bạn sẽ không thể nào đưa tất cả thông tin về bạn trong một trang giấy A4 được. Cách tốt nhất để giải quyết vấn đề này là hướng họ đến các trang mạng xã hội của bạn như LinkedIn, Facebook, blog, online portfolios, Github, Twitter, Instagram … Và tất nhiên là những trang bạn đưa ra phải thật chuyên nghiệp và có sự đầu tư nhất định.
Thoát khỏi những vỏ bọc không cần thiết: Trong phần “Kinh nghiệm làm việc”, bạn nên đưa từ một đến hai công việc gần nhất nhưng phải phù hợp với vị trí bạn ứng tuyển. Tuyệt đối không đưa các công việc không liên quan vào CV cho dù bạn không có nhiều kinh nghiệm nổi bật. Sẽ không có nhà tuyển dụng nào quan tâm đến việc bạn “bán bánh Pizza như thế nào” hay “bạn từng làm Bí thư Đoàn trường” oai phong ra sao đâu.
Lời khuyên: các bạn nên có một CV với tất cả đầu mục và thành tựu mà bạn muốn khoe, rồi chọn lọc những gì thích hợp nhất với lĩnh vực và công ty mình ứng tuyển để bỏ vào CV. Lần sau, với một công việc và một công ty thuộc lĩnh vực khác, bạn có thể chọn lọc đầu mục công việc và thành tựu khác liên quan. Điều này sẽ rất tiện lợi cho những ai muốn cùng lúc nộp vào các công ty với lĩnh vực khác nhau hoặc các vị trí khác nhau.